Hội thảo quốc tế Viễn cảnh Đông Nam Bộ lần 1 sẽ chính thức được tổ chức vào tháng 12/2018

01/06/2018 19:35     826

Hội thảo quốc tế Viễn cảnh Đông Nam Bộ lần 1 sẽ chính thức được tổ chức vào tháng 12/2018

 31/05/2018 16:31 —  85
Sáng 31/5/2018, tại trường Đại học Thủ Dầu Một đã diễn ra Lễ công bố chương trình hội thảo quốc tế Viễn cảnh Đông Nam Bộ lần 1 năm 2018.

Tham dự buổi lễ có đại diện Lãnh sự quán các nước và các tổ chức quốc tế như Thái Lan, Indonesia, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc (Đài Loan), Hiệp hội thương gia Đài Loan tại Bình Dương, Vương quốc Bỉ, cùng lãnh đạo các địa phương thuộc vùng Thành phố Hồ Chí minh, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn Đông Nam Bộ.

Hội thảo quốc tế thường niên Viễn cảnh Đông Nam Bộ do ba đơn vị đồng sáng lập và chủ trì gồm: Đại học Thủ Dầu Một, Đại học KHXH&NV (ĐHQG Tp.HCM), Khu Công nghệ phần mềm (ĐHQG Tp.HCM). Trong năm đầu tiên tổ chức, hội thảo đã nhận được sự chung tay tham dự của 6 trường đại học đến từ Nhật (ĐH Hiroshima, ĐH Osaka), Thái Lan (ĐH Mahachulalongkornrajavidyalaya), Đài Loan (ĐH Quốc gia Chi Nan, ĐH Quốc lập Đông Hoa). Trong những năm tiếp theo, diễn đàn học thuật này sẽ xúc tiến kết nạp thêm thành viên mới nhằm thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng giữa các tổ chức giáo dục, các nhà khoa học uy tín tại Việt Nam và thế giới.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã xác định thời gian diễn ra hội thảo quốc tế Viễn cảnh Đông Nam Bộ lần 1 vào ngày 6 và 7 tháng 12 năm 2018, với chủ đề  “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Kinh nghiệm các quốc gia châu Á và bài học cho vùng Thành phố Hồ Chí Minh”. Trong phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp  - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Thủ Dầu Một mong muốn: “hội thảo quốc tế thường niên Viễn cảnh Đông Nam Bộ sẽ là diễn đàn học thuật thực thụ với nhiều hoạt động tương tác đa chiều trong nghiên cứu, là nơi trải nghiệm lý tưởng của các nhà khoa học, nhất là việc hấp thụ, bồi dưỡng năng lực nghiên cứu và công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế.”

Chia sẻ thêm về ý tưởng tổ chức hội thảo, TS Trương Minh Huy Vũ – Phó Giám đốc Khu công nghệ phần mềm (ĐHQG Tp.HCM) cho biết, mục tiêu của các đơn vị sáng lập là góp phần đẩy mạnh khai thác tối đa 4 nguồn lực: nguồn lực công nghệ, nguồn lực doanh nghiệp, nguồn lực công sản đất đai, nguồn lực con người; để từ đó tạo nên 4 đột phát tương ứng là: đô thị thông minh, sáng tạo khởi nghiệp, quỹ đất sạch tài sản công và cải tiến chương trình đào tạo. Chính sự hợp tác đa phương sẽ khai thác được thế mạnh tối đa của từng đơn vị, giúp định hình rõ nét ý tưởng ban đầu, cùng nhau hỗ trợ để duy trì và phát triển diễn đàn học thuật này qua từng năm.

Thống nhất hoàn toàn ý kiến với hai đối tác, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV (ĐHQG Tp.HCM) đúc kết: sự hợp tác tổ chức hội thảo lần này dựa trên nền tảng tốt đẹp về quá trình gắn kết giữa các đơn vị khi thực hiện thành công nhiều hội thảo chất lượng trong nước và quốc tế. Bà tin tưởng, hội thảo Viễn cảnh Đông Nam Bộ với nội dung hoàn toàn mới, hình thức tổ chức hiện đại sẽ tạo nên một dấu ấn đặc sắc trong nghiên cứu của giới học giả khu vực và quốc tế.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức cũng đã trình bày ý tưởng thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Đông Nam Bộ để tiếp nhận sự chia sẻ, đóng góp của các doanh nghiệp, cộng đồng cho hoạt động nghiên cứu khoa học, và sẽ chính thức ra mắt Quỹ này vào tháng 7/2018.
 
Vùng Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong quy hoạch được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ngày 23 tháng 4 năm 2008 với mục tiêu quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050. Phạm vi vùng Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích 30.404 km², bán kính ảnh hưởng từ 150–200 km. Đến năm 2030, dân số vùng đô thị này dự kiến từ 24 - 25 triệu người, dân số đô thị khoảng 18 - 19 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70 - 75%. Tầm nhìn đến năm 2050, vùng đô thị này sẽ có 28 - 30 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 25 - 27 triệu người, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 90%.

Trong mục tiêu phát triển, vùng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, trung tâm thương mại – tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học – dịch vụ, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu với trình độ chuyên môn hóa cao, trung tâm văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ và y tế chất lượng cao trong khu vực Đông Nam Á. Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã bắt đầu có những tác động đến công nghệ và sản xuất của các doanh nghiệp, việc sử dụng hệ thống máy tự động, robot, dữ liệu lớn… góp phần gia tăng năng suất lao động và giảm thiểu chi phí sản xuất. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam nói chung và nguồn nhân lực trong vùng Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng chưa bắt kịp với sự phát triển của khoa học, công nghệ. Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có khoảng 86% lao động trong ngành dệt may và giày dép có nguy cơ bị mất việc làm. Đặc biệt, lao động trong các ngành nghề truyền thống và lao động thủ công là lực lượng lao động có nguy cơ gánh chịu nhiều rủi ro nhất khi bị thay thế bởi những hệ thống máy móc tự động hóa.

Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện quá trình chuyển đổi nền kinh tế, vấn đề xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để tạo động lực phát triển và đáp ứng những biến đổi mang tính toàn cầu kể trên. Do vậy, việc học tập kinh nghiệm của thế giới nói chung, các nước trong khu vực châu Á nói riêng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề rất quan trọng; qua đó, gợi ý mô hình và giải pháp phù hợp trong xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ở Nam Bộ, hướng tới phát triển bền vững vùng Thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam.

Lãnh đạo 3 đơn vị đồng sáng lập và các khách mời tại lễ công bố

Các đại biểu tham dự góp thêm ý tưởng cho hội thảo

Từ trái qua: TS Trương Minh Huy Vũ, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác

Ông Juste Meeus - học giả đến từ Vương Quốc Bỉ - phát biểu ủng hộ ý tưởng tổ chức hội thảo

Hội thảo QT thường niên Viễn cảnh Đông Nam Bộ với 
nội dung hoàn toàn mới, hình thức tổ chức hiện đại sẽ tạo nên một dấu ấn đặc sắc trong nghiên cứu của giới học giả khu vực và quốc tế
 
 

 

BÀI ĐĂNG CÙNG CHỦ ĐỀ